4 thg 9, 2011

Chiều Khách Theo Lối Cổ Truyền

Hầu hết ai làm trong nghề nails, nghề tóc, từ thợ đến chủ đều thuộc lòng câu “chiều khách tối đa.” Thế nhưng có mấy ai đã làm được, và đã làm gì để gọi là chiều khách?

Để tôi đi thẳng vào ngay vấn đề thế nào là chiều khách?

 

“Chiều khách” đương nhiên là bạn đã biết nghĩa làm sao cho khách hài lòng.
Tôi lấy thí dụ thường thấy trong các tiệm nails của người Việt tại Mỹ. Khách đến tiệm làm móng, đương nhiên khách không phải là người Việt Nam, không biết tiếng Việt. Trong lúc thợ làm móng cho khách, nhưng vẫn đùa giỡn với nhau trong tiệm bằng tiếng Việt. Khách chẳng hiểu bạn nói gì. Đó không phải là chiều khách
Một cách khác chiều khách là mỗi khi khách phàn nàn, là móng ngắn, móng dài, sơn không đều hay bất cứ điều gì. Thợ thường luôn phải làm lại cho khách, nhưng miệng thì lẩm bẩm,  tôi xin lập lại nguyên văn, “Con đ này khó chịu quá” Đó cũng không phải là chiều khách.
Thưa các bạn, dù bạn nói bằng tiếng Việt, khách chẳng hiểu bạn nói gì, nhưng cái âm điệu cũng đủ làm cho người nghe hiểu rằng bạn đang bất mãn, không vừa lòng, đang chửi họ.
Bạn hãy thử xem, bạn có thể nói được một câu “Con đ này khó chịu quá” bằng một giọng nói dịu dàng, thân thiện, với một nụ cười trên gương mặt của bạn không? Đương nhiên là không!

Vậy thế nào mới là “chiều khách” thế nào mới gọi là làm cho khách hài lòng?

Bạn hãy tưởng tượng tiệm nails chính là nhà của bạn, khi có một người khách lạ đến nhà bạn tiếp đãi người đó ra sao? Và hãy đặt ngược lại, khi bạn đến nhà một người nào đó, bạn muốn được người ta đối xử, tiếp đãi bạn ra sao? Tôi thiết nghĩ, tiếp đón một người khách phải tối thiểu như sau:

Chào hỏi…

  • Khi khách đến bạn ra chào hỏi với nụ cười thân thiện trên môi.
  • Một vài câu thăm hỏi xã giao như “Anh dạo này vẫn khỏe chứ?” “Đường đến đây có bị kẹt xe không?”, “Nhà có dễ tìm không?”
  • Hay một lời khen xã giao như “Áo chị đẹp quá”, “Anh nhìn phát tướng ra đấy”
  • Mời vào nhà ngồi chơi, hay mời vào phòng khách, hay chỗ nào đó để nói chuyện.
  • Vài lời hướng dẫn như “cứ mang giày vào” hoặc chỉ chỗ để giày khi tôi đang tháo giày ra.
  • Mời hỏi tôi muốn uống gì…

Tiếp đón thân thiện, và ân cần…

Sau khi chào hỏi, chủ nhà ân cần tiếp chuyện một cách thân mật. Nếu chủ nhà đang bận việc gì đó, họ sẽ ngưng những việc họ đang làm để tiếp chuyện với tôi, là khách của họ. Nếu như chủ nhà dở dang việc gì đó, chủ nhà xin phép để tiếp tục trong một thời gian thật ngắn và trở lại tiếp chuyện với tôi.
Khi đang tiếp chuyện với tôi mà điện thoại reng, chủ nhà xin phép để trả lời điện thoại. Trả lời thật vắn tắt và trở lại để tiếp tục câu chuyện.
Tóm lại trong suốt thời gian tôi đến thăm, chủ nhà luôn chú tâm vào tiếp chuyện với tôi, để tôi cảm thấy được sự đến thăm của tôi là niềm vui của chủ nhà.

Khi ra về…

Khi tôi đứng lên từ giã ra về, chủ nhà tối thiểu phải đưa tôi ra đến cửa, nhắc nhở tôi đừng quên những vật dụng tôi mang vào trong nhà như kiếng mát, giày, chìa khóa, điện thoại cầm tay. Rồi lời cám ơn tôi đã ghé chơi, nhắn nhủ, dặn dò mời lại chơi khi có dịp, bye..
Những điều trên là điều tôi thiết nghĩ là tối thiểu của một người chủ, và thợ nails khi tiếp khách để được gọi là “chiều khách.”
Có lẽ bạn đang nói rằng “thừa thải”. Những gì tôi vừa nói chẳng có gì mới lạ với bạn. Điều khác biệt giữa bạn biết, và bạn làm,  và nhất là khi phải làm với tất cả mọi người khách đến tiệm trong mọi hoàn cảnh đó là điều khác biệt.
Một số thợ tự mãn, tự phụ, kiêu căng, chán nản, mệt mỏi sẽ quên đi phong cách phục vụ khách hàng tối thiểu và cần thiết là điều rất thường xảy ra. Mọi người thợ  của bạn cần được thường xuyên nhắc nhở, huấn luyện phong cách phục vụ khách hàng sẽ trở thành một điều cần thiết.
Tôi vẫn có cảm giác thích thú mỗi khi vào ăn ở nhà hàng Nhật vì khi bước chân vào tiệm mọi nhân viên trong tiệm từ người tiếp viên, đến anh đầu bếp đều đồng thanh nói “Konnichiwa (Kon-ee-chee-wa)” nghĩa là “Hello” và khi ra cửa thì lại một lần nữa tôi lại được nghe một câu tiếng Nhật Sayonara (Sa-yo-na-ra) nghĩa là “good bye” từ mọi nhân viên trong tiệm.
Lúc đầu tôi không hiểu nghĩa là gì, nhưng sao sao đó tôi vẫn có được cái cảm giác thân thiện qua cách tiếp đón khách của người Nhật tại các nhà hàng.
Có thể một số bạn cho rằng tiếp đón khách như thế là thừa thãi. Không thừa đâu bạn ạ! Ông bà ta có dạy “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.” là tiếp đón khách một cách thân thiện, ân cần từ khi khách đến, đến khi khách ra về.

Đến lượt bạn..

Bạn làm sao để mọi người trong tiệm đồng loạt tiếp đón khách một cách nồng hậu.
Và tôi mong bạn sẽ chia sẻ những gì bạn đã thực hiện được trong phần comments bên dưới.
Bạn muốn biết thêm nhiều phương cách để build tiệm, build khách, bạn có thể đăng ký nhận tin tức của chúng tôi bằng cách điền email, và bấm “Yes, gởi email cho tôi”.

http://www.nhosbs.com/build-khach/chieu-khach-theo-loi-co-truyen/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét