4 thg 9, 2011

Đề phòng các vụ kiện nhằm vào tiệm nails

Kiện tụng là điều không thể tránh khỏi khi làm thương mại nhất là trong lãnh vực cung ứng dịch vụ phục vụ khách hàng như ngành nails. Kể từ số báo này, luật sư Phạm Văn Phổ sẽ cống hiến đến bạn đọc những thông tin hữu ích liên quan đến việc kiện tụng và các biện pháp đề phòng. Mời các bạn theo dõi.
 
Mới đây nhật báo Việt Báo số ra ngày 7 tháng 3, 2006, có đăng tin nhiều tiệm nails tại California bị kiện về vụ nhiễm trùng da và các công ty bảo hiểm đã thỏa thuận bồi thường cho các nạn nhân tới 3 triệu mỹ kim (?).  Trong khi đó, theo tin của VietBeauty số báo tháng 3-4, Texas cũng vừa đưa ra những quy định mới về vệ sinh khử trùng trong các tiệm nails, sau khi có một khách hàng thiệt mạng vì nhiễm trùng chân.
Về chứng nhiễm trùng da, mà theo Việt Báo, có hàng trăm khách hàng phát hiện, mới nhìn giống như là vết phỏng ở chân.  Theo trung tâm phòng và chống bệnh CDC (National Centers for Disease Control and Prevention) triệu chứng nhiễm trùng này là do nước bẩn gây ra. Theo Bác Sĩ Shelley Sekua-Gibbs, vi trùng dễ dàng xâm nhập các vết cắt hay vết trầy trong khi ngâm chân ở các tiệm làm móng tay. Hậu quả của việc nhiễm trùng này, tuy không nguy đến tính mạng nhưng sẽ để lại những vết sẹo xấu xí!
Những tin tức đó dù chưa được kiểm chứng về chi tiết nhưng cũng một cách nào đó giúp các bạn đang hành nghề trong các tiệm nails cần lưu tâm và kiểm soát lại việc điều hành các tiệm của mình để tránh tới mức tối đa những vụ nhiễm trùng cho khách hàng và từ đó dẫn tới những vụ kiện tụng của khách.
Về việc nhiễm trùng chân, không phải đây là lần đầu đã xảy ra, nhưng hiện tượng này đã được phát hiện từ năm 2000 tại miền Bắc cũng như Nam Cali. Căn bệnh này có tên khoa học là Mycobacterium fortuitum là chứng bệnh ngoài da gây ra bởi một loại vi trùng thường thấy ở trong nước và đất bẩn. Chứng bệnh làm lở da này được tìm thấy nơi các dụng cụ ngâm chân ở tiệm nails. Theo phúc trình của Bộ Y Tế California, bệnh nhân thường phải chữa trị bằng trụ sinh trong 2 tuần lễ mới khỏi. Có bệnh nhân nặng hơn phải mất cả 170 ngày mới hết.
Trong một bản phúc trình của Bộ Y Tế California do BS Kevin Winthrop thực hiện vào năm 2000 cho biết: các cuộc thử nghiệm và điều tra cho thấy một phần nguyên nhân của chứng bệnh này là do nhiễm độc từ nước của thành phố và có thể cũng do những ống nước nữa. Quan trọng hơn, nhiều thân chủ của các tiệm nails vẫn mắc chứng bệnh này cho dù các tiệm đã tẩy trùng các dụng cụ ngâm chân!
Ngoài những chứng bệnh về da đó, FDA (Food and Drug Administration) tức là Sở Kiểm Soát Thực Phẩm và Thuốc Men của Chính Phủ Liên Bang cũng cảnh giác các tiệm nails về những nguy hiểm có thể gây ra do việc thiếu các điều kiện vệ sinh trong các dụng cụ (không khử trùng đúng mức) và việc sử dụng các loại mỹ phẩm và các sản phẩm làm móng tay khác.  Những nguy hiểm này gồm phần lớn là những bệnh ngoài da, và kể cả các bệnh lan vào máu như HIV (AIDS), viêm gan v.v.
FDA cho biết mặc dầu các mỹ phẩm thường không cần phải có sự chấp thuận của Cơ quan này trước khi bán, nhưng theo luật, các sản phẩm bán trên thị trường Hoa Kỳ phải không mang độc chất và những chất có thể gây thương tích cho người tiêu thụ.  Trên thực tế, nhiều sản phẩm dùng trong ngành nails có chứa độc chất, thí dụ chất acetonitride dùng để tẩy keo, tuy nhiên vẫn được cho bán trên thị trường vì nó không nguy hại nếu dùng đúng theo sự chỉ dẫn.
Tuy vậy, FDA khuyến cáo những người làm nails những điểm căn bản sau:
C Cần phải khử trùng các dụng cụ làm móng tay. Cách tốt nhất là phương pháp khử trùng bằng cách hâm nóng hoặc bằng hóa chất (heat or chemical sterilization.).
C Buộc người làm móng tay phải rửa tay trước khi làm cho khách.
C Báo cáo ngay cho FDA những mỹ phẩm nào gây phản ứng cho khách hàng.
C Những thợ làm móng tay cần phải có đầy đủ bằng chuyên môn và hội đủ các giờ học cũng như kinh nghiệm làm việc.
Tóm lại, để tránh tất cả những rủi ro nghề nghiệp, nhất là để tránh những vụ kiện tụng có thể xảy ra, cách tốt nhất là cần phải giữ đúng các quy luật về nghề nghiệp và vệ sinh tối thiểu do Tiểu Bang và Liên Bang qui định.   Việc trao đổi kinh nghiệm và học hỏi từ những người chuyên môn trong nghề cũng là điều rất cần thiết.  “Phòng bệnh” hơn là “chữa bệnh” vẫn là châm ngôn quý giá nhất trong cuộc sống vậy.
Đón xem kỳ tới:  
Bảo hiểm & các biện pháp đối phó với các vụ kiện nhắm vào tiệm nails.


LS PHẠM VĂN PHỔ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét