6 thg 9, 2011

Tôi là “đốc tờ”... nail!

Người Việt từ nhiều năm nay đã chiếm lĩnh hầu hết các cửa hàng nail (làm móng tay, móng chân) tại Mỹ. Theo thống kê tháng 3/2010 thì người Việt có 73.164 cửa hàng với số nhân công 374.345 người, và có 5 thành phố lớn có nhiều cửa hàng nhất là Houston (862), New York (796), Los Angeles (460), Miami (279) và San Francisco (302).
Không chỉ có người lao động chân tay mà có đủ các loại người do nhiều hoàn cảnh khác nhau đã từng hoặc đang làm nghề nail tại Mỹ. Nghề này không cần nhiều vốn, học nghề nhanh và có thu nhập đáng kể. Mặc dù nó là nghề độc hại và có phần bị xem thường, nhưng biết bao người đã sống được và làm giàu vì nó. Nhiều người Việt ở Mỹ coi như mình hy sinh để lo cho con cháu học hành và thành đạt. Có thể mươi, mươi lăm năm nữa, số lượng người Việt làm nghề này sẽ giảm đi nhiều.

Y Trang
Trong một tiệm Nail  của người Việt ở Los Angeles. Ảnh: Nam Quang
Trong một tiệm Nail của người Việt ở Los Angeles. Ảnh: Nam Quang
Cách đây hai mươi năm lúc mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, bơ vơ nơi xứ lạ quê người, tôi chẳng biết làm gì để sinh sống. Tình cờ, gặp một người Việt qua đây từ năm 1975 đang làm tóc cho một tiệm Mỹ trong Mall, chị hỏi tôi:

- Em khéo tay không? Xin tiền trợ cấp đi học nail đi. Nghề này kiếm tiền nhiều lắm!

Tôi hồ đồ kêu lên:

- Làm nail? Qua Mỹ không học gì lại đi học nail. Thôi em chẳng thích nghề này đâu.

Lúc ấy ở VN tôi cũng không giàu có gì nhưng vẫn có thành kiến với nghề làm nail lắm. Huống hồ gì bây giờ mới qua Mỹ, cửa thiên đàng đang rộng mở lại biểu đi làm nail - đời nào tôi chịu! Hơn nữa, nghề nail lúc ấy cũng còn xa lạ, chưa rầm rộ, thịnh hành như bây giờ nên tôi chẳng màng gì đến lời gợi ý hấp dẫn của chị Hồng.

Thành phố Myrtle Beach - nơi run rủi gia đình tôi đến lập nghiệp khi mới qua Mỹ là một thành phố du lịch hiền hoà, vui nhộn. Khi tôi đến đây, Myrtle Beach chỉ có khoảng ba, bốn trăm người VN. Nói đúng hơn chỉ vài chục gia đình người Việt gồm cả già, trẻ, lớn, bé. Vì thế tôi vẫn thân thương gọi Myrtle Beach là “Ở một nơi ai cũng quen nhau”. Đa số người Việt ở đây đều làm cho hãng điện tử AVX Corporation.

Chúng tôi yên thân yên phận trong thế giới nhỏ này vì công việc tương đối nhẹ nhàng, thích hợp; lương bổng thoả đáng; bảo hiểm sức khoẻ tốt; over time (làm ngoài giờ - BT) làm thoải mái có thêm thu nhập khỏi phải kiếm thêm job (công việc - BT) nữa. Nói chung, phần lớn người Việt ở đây nên nhà nên cửa đều nhờ vào hãng điện tử này.

Cuộc sống đang yên ổn, thì một ngày kia trong hãng bắt đầu xuất hiện vài người lạ mặt - họ từ các nước xa xôi đến đây. Tin rò rỉ từ những người Technician (kỹ thuật viên) VN: Hãng sắp sửa đưa jobs ra nước ngoài! Và điều mỉa mai là họ có bổn phận training (huấn luyện. BT) công việc cho những người lạ mặt đó, để rồi tất cả chúng ta đều mất việc làm.

Trong hãng bắt đầu xầm xì, bàn tán và rồi mọi việc xảy ra đúng như sự tiên đoán của mọi người, hãng bắt đầu cho layoff (thôi việc. BT) từ từ. Những người làm việc khoảng năm, mười năm cũng bắt đầu tập nhìn ra thế giới bên ngoài. Khi ấy chúng tôi mới khám phá ra rằng: lâu nay, trong khi chúng tôi cặm cụi làm việc trong hãng điện tử thì bên ngoài có hai gia đình VN, âm thầm làm nail và âm thầm... hốt bạc vì xuyên dọc bờ biển dài từ North xuống South chỉ duy nhất có hai tiệm nail phục vụ du khách, nhất là những tháng mùa hè đông đúc, nhộn nhịp.

Thế là những người VN bị lay off đầu tiên bắt đầu đi học, đi làm nail, mở tiệm và cuộc sống lại tiếp diễn tuy có xao động hơn với nghề nghiệp mới.

Sau khi hưởng sáu tháng tiền lương trợ cấp thất nghiệp, thành kiến về nghề nail vẫn lởn vởn trong đầu khiến tôi phân vân, lưỡng lự khi bạn bè hối thúc đi học nail. Thấy họ làm được, kiếm tiền nuôi con ăn học đàng hoàng, tôi đành chịu thua thành kiến để thử dấn thân vào nghề mà sau này nhiều người trong cuộc thường ngao ngán: Đường vào nghề nail có trăm lần vui, có vạn lần... sầu!

Không đơn giản như ở VN. Trước tiên tôi phải ghi danh vào trường Dudley Beauty College học sáu tháng. Tốt nghiệp xong phải đi thi lấy bằng đàng hoàng mới được ra làm nail. Đoạn đường đi học cũng lắm đoạn trường, gian nan. Ở VN đi làm nail có cần học hành gì đâu thế mà bên Mỹ này khi vào lớp tôi phải học đủ thứ. Nào là, khi làm nail phải biết bàn tay có 5 ngón, cấu trúc của ngón tay, móng tay như thế nào, xương tay, xương chân ra sao v.v... Rồi thì có bao nhiêu loại máu, hồng huyết cầu, bạch huyết cầu... Lại còn phải học thêm hàng trăm thứ bệnh về da, bệnh nào bệnh nấy thật dễ sợ khiến tôi phát...  hoảng và có cảm giác mình đi học để ra làm... bác sĩ chứ không phải làm nail! Khó nhất là các từ chuyên môn phải nhớ để đi thi lý thuyết.

Sang phần thực hành tương đối đỡ bị stress hơn. Thấy tôi lọng cọng cầm cái dũa thực tập trên bàn tay giả, bà giáo người Mỹ ngạc nhiên:

- Ủa, trò chưa biết làm nail hả?

Lạ nhỉ! Chưa biết mới đi học chứ. Chắc bà giáo nghĩ người VN nào sanh ra cũng đều biết làm nail cả! Sau này tôi hiểu ra, ngày trước bà giáo dạy nail ở các tiểu bang có nhiều người VN. Hầu hết các học sinh đi học đều đã đi làm nail hoặc đã biết làm nail. Họ đi học chỉ để lấy giờ, đi thi lấy bằng ra làm việc hợp pháp.

Ngoài việc làm móng tay thông thường và sơn như ở VN gọi là Manicure, bên Mỹ này còn dạy làm móng bột gọi là Acrylic Nails rất thịnh hành và Design hoa lá cành trên các móng tay giả, dài. Các hoá chất dùng đắp móng bột thường gây dị ứng. Những học sinh mới thực tập lần đầu thường cảm thấy nhức đầu, chóng mặt. Có người bị chảy nước mắt, nước mũi hoặc ngứa ngáy rất khó chịu. Trong trường chỉ dạy căn bản để đi thi. Khi ra làm việc chúng tôi phải học hỏi kinh nghiệm, thực hành rất nhiều mới làm được dạng móng bột này.

Vạn sự khởi đầu nan! Cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp, ra trường, đi thi lấy được cái bằng nail (đây là cái bằng thứ nhì tôi có được sau bằng lái xe kể từ ngày qua Mỹ) rồi trịnh trọng cho vào khung hình thật đẹp. Khoác thêm cái áo blouse trắng, ngắm mình trong gương tôi mỉm cười an ủi:

- Trông cũng hách đấy chứ! Cứ như bà... đốc tờ!

Khi tới gõ cửa các tiệm nails kỳ cựu trong thành phố tôi mới biết nghề này cũng có tính cách “gia đình trị“ lắm. Mặc dầu tiệm đông khách, trong tiệm chỉ có hai vợ chồng và một cô cháu nhưng họ nhất định không nhận người ngoài, nhất là thợ mới ra nghề như tôi. Họ chủ trương không dạy nghề cho ai cả - nhất là người ngoài!

Nghề nail ngoài sự đòi hỏi khéo tay, tỉ mỉ, kiên nhẫn laị phải “làm dâu trăm họ” vì khách hàng mỗi người một tính nên chuyện buồn vui trong tiệm rất nhiều. Nhớ ngày đầu tiên đi làm tôi chỉ được làm thợ phụ như dán móng, tháo móng, sửa ngón bị gãy, sơn tay con nít v.v.. Khi thạo việc được giao làm bộ móng tay đầu tiên tôi hồi hộp và vui mừng lắm. Thấy cô khách trẻ dễ thương, tôi vui vẻ vừa làm việc vừa hỏi chuyện để cô ta không để ý đến sự căng thẳng của tôi. Vừa đắp được mấy móng bột, cô gái vùng vằng xô ghế đứng dậy la lớn giữa tiệm:

- Help! Help! I’m a model. Anyone help me! (Tạm dịch: Giúp tôi với. Tôi là người mẫu. BT )

Tôi sượng sùng đứng lên theo, nhủ thầm: “Model thì kệ model chứ! Làm gì mà la dữ dzậy?”.

Cô chủ tiệm có lẽ đã quen với những cảnh này nên vội chạy đến vỗ về khách:

- Bình tĩnh nào! Ngồi xuống đây tao làm cho.

Chị cầm bàn tay khách lên xem, nói nhỏ với tôi:

- Trời ơi! Chị đắp móng nào móng nấy dày cui bảo sao nó không la làng!

Nghề dạy nghề, từ từ tôi cũng làm được (chứ chưa làm đẹp!). Nghề nail đòi hỏi phải có đôi mắt tinh tường và sự nhanh nhẹn, khéo léo. Tôi thì đã đeo kính lão, lại thích cà kê dê ngỗng nói chuyện với khách nên rất chậm chạp. Trong tiệm đùa giỡn gọi tôi là “bà rùa”.

Tôi thích thú với tên gọi này vì cô chủ thấy hợp lý thường giao cho tôi những bà khách già, mắt mũi kèm nhèm. Tôi có làm chậm hay sơn xấu họ cũng chẳng thấy gì để than phiền. Những bà khách già cô đơn lại thích tâm sự, săn sóc, hỏi han nên hợp với tôi lắm.

Dần dà tôi cũng có được một số khách quen dễ thương. Thành kiến về nghề nail trong tôi trước đây không còn nữa. Tôi vui thích và cố gắng trau dồi công việc của mình. Những kiến thức học được ở trường Nail đã giúp tôi rất nhiều trong việc chia sẻ với khách hàng về việc chăm sóc sức khoẻ.Tôi quan niệm ngoài việc làm đẹp, khách hàng phải quan tâm vấn đề sức khoẻ thể hiện qua móng tay, móng chân của mình. Nhiều bà khách vui tính, thường đùa gọi tôi là “đốc tờ”!

Chuyện vui buồn trong tiệm thì nhiều lắm. Bên cạnh đó tôi cũng thường đọc, theo dõi các tạp chí chuyên ngành của Mỹ về nghề nail. Phải công nhận người VN rất thông minh và nhạy bén trong lĩnh vực này. Họ phát minh ra nhiều điều mới lạ và thường dẫn đầu trong các cuộc thi làm nail trên thế giới. Cả một kỹ nghệ nail phát triển và hầu như người Việt đang chiếm lĩnh thị trường trên toàn nước Mỹ.
Khi hãng điện tử đóng cửa hẳn thì phần lớn người VN ở đây ra làm nail. Không ai muốn làm công cho ai nên đa số đều mở tiệm. Cuộc sống của những người VN hiền hoà ở đây, tuy ít nhiều xao động nhưng khấm khá hơn và nhất là yên tâm để tiếp tục lo cho con cái vào đại học.

Việc học giậm chân tại chỗ, không tiến ắt phải lùi thì nghề nail cũng vậy! Thế hệ làm nail chúng tôi dần dần tụt hậu và lớp trẻ sau này tiến lên với những kỹ thuật hiện đại, tân kỳ hơn tạo ra những bộ móng tay tinh xảo, nghệ thuật. Không muốn bị “đào thải” nên tôi nghĩ đến chuyện rút lui khỏi “chiến trường nail”. Ngày con gái tốt nghiệp đại học, nó ôm tôi thỏ thẻ:

- Mẹ làm... bác sĩ đã lâu chắc mệt rồi! Con muốn mẹ nghỉ ngơi. Nay con đi làm nuôi mẹ.

Thế là tôi quyết định “gác cọ” nghỉ hưu, đi chơi để bù lại những tháng ngày vất vả. Ở nhà được một năm, chưa có cháu ẵm bồng tôi cũng buồn và nhớ mấy bà khách già dễ thương. Mùa hè đông khách, thỉnh thoảng các tiệm quen ơi ới gọi tôi:

- “Bà rùa” ơi! ra giúp một tay đi. Bà ra cầm tay coi bói giữ khách hộ.

Không khí tiệm nail bây giờ tuy đông đúc, phồn thịnh hơn thời của chúng tôi nhưng thật xô bồ, bát nháo khiến tôi ngại ngần mỗi khi bước vào tiệm. Lâu nay, song song với sự phát triển, tiến bộ của nghề nail tôi cũng nghe nhiều điều không mấy tốt đẹp về nghề này.

Trăm nghe không bằng mắt thấy. Trong tiệm khách đông thật mà thợ cũng đông - trai có, gái có. Những cô gái trẻ đi làm mặc váy ngắn cũn cỡn, tóc nhuộm vàng khè, nói năng bặm trợn, thô tục, kèn cựa nhau giành khách. Thậm chí có nơi còn đánh lộn, chửi nhau bằng tiếng Việt ỏm tỏi. Có những cô thợ vừa làm pedicure cho khách vừa kẹp cổ điện thoại di động nói chuyện với bạn, thỉnh thoảng ré lên cười hay chửi thề, chẳng màng đến những ánh mắt khó chịu của khách hàng.

Tiệm nail càng nhiều, thợ càng đông, sự cạnh tranh của nghề nail càng lớn tạo nên sự chia rẽ, thù hằn nhau giữa chủ và chủ, giữa chủ và thợ, giữa thợ và thợ. Mạnh người nào người đó phá giá tạo nên một “chiến trường nail” khốc liệt, ảnh hưởng đến nhiều gia đình VN từ lâu nay vẫn sinh sống bằng nghề này một cách đàng hoàng.

Trong tình hình kinh tế suy thoái, khủng hoảng hiện nay. Bao nhiêu người dân Mỹ thất nghiệp? Bao nhiêu gia đình tan nát, mất nhà cửa?

Người Việt chúng ta với nghề nail lâu nay đã có cuộc sống căn bản, ổn định. Tuy ảnh hưởng ít nhiều nhưng nhìn quanh chúng ta vẫn còn may mắn hơn bao nhiêu người khác, kể cả người bản xứ.

“Không có nghề nào xấu, chỉ có người xấu mà thôi”. Nghề nail cũng như những nghề làm đẹp khác cho con người, cho xã hội - là những nghề cao quý, lương thiện, đáng trân trọng. Đừng để đồng tiền làm mất đi tư cách, phẩm chất, danh dự của con người và nhất là để chúng ta không mặc cảm, xấu hổ khi nhắc tới nghề nghiệp của mình.

Đừng tự hạ thấp hoặc đánh mất giá trị của một nghề mà nhờ nó mà biết bao bạn trẻ được nuôi cho ăn học để đạt tới đủ loại bằng cấp, đủ loại địa vị. Vất vả, cực nhọc? Có sao đâu. Chúng ta phải luôn luôn hãnh diện:

- Vâng! Tôi là “đốc tờ“ nail!
Hải Âu (Theo Vietbao 15.8.2010)



http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Toi-la-doc-to-nail/14219

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét