- Làm sao để tiệm của tôi hoạt động mà không có tôi?
- Làm sao để nhân viên làm việc hết lòng mà tôi không cần xen vào?
- Làm sao để làm chủ tiệm, nhưng không bị bó buộc vào nó?
- Làm sao để có giờ làm những việc tôi thích chứ không phải làm những gì cần làm?
Làm chủ tiệm nail và tóc: Cũng giống hầu hết các chủ tiệm khác như nhà hàng, xây dựng, sửa xe, sửa chữa computer, v.v, sở dĩ bạn nghĩ đến việc làm chủ tiệm phần lớn là vì bạn có khả năng chuyên môn cao. Bạn rất giỏi trong lãnh vực chuyên nghiệp của bạn. Bạn có thể dũa, đắp bột, cắt, gội, nhuộm một cách thành thạo đến độ không có một người khách nào có thể làm khó được bạn. Và hẳn bạn cũng từng tự hào rằng “không có bạn thì tiệm này không biết ra sao.” Bạn cũng có thể tự hào rằng việc bạn làm còn tốt hơn cả chính chủ tiệm.
Thế rồi bạn quyết tâm ra mở một tiệm riêng cho bản thân, nhưng bạn không biết rằng ngoài kỹ thuật chuyên môn bạn rành rẽ, bạn còn biết bao nhiêu việc khác mà bạn chưa từng biết, chưa từng làm và cũng có thể bạn chẳng thích làm nhưng giờ đây bạn phải làm.
Có thể bạn không thích làm, hoặc bạn không biết việc phải làm để trở thành một chủ tiệm thật sự, nên bạn dù thân là chủ tiệm, bạn vẫn miệt mài làm việc của một người thợ.
Thật ra khi làm chủ, bạn nên dành nhiều thời giờ, tâm trí, và sức lực để build tiệm, vạch ra kế hoạch, đường hướng, sáng tạo để cung ứng những dịch vụ thỏa mãn khách hàng. Bạn nên tập trung vào việc phát triển, khai thác thị trường để cạnh tranh với các tiệm khác trong vùng chứ không nên ngồi dũa.
Đây là 16 điều bạn có thể làm với cương vị là chủ
- Xem xét sản phẩm và cung cách phục vụ trong tiệm của mình dưới mắt của một người khách hàng tương lai. Bạn nên nhận xét những sản phẩm, hay những phục vụ bạn đang có với một cặp mắt khác. Bạn đặt ra những câu hỏi như, tôi là một người khách lạ, cách phục vụ của tiệm có hấp dẫn tôi không?
- Mỗi ngày tìm hiểu lý do khách đến tiệm, và khách bỏ tiệm. Khách đến tiệm, hay bỏ tiệm không phải vì …. ngẫu nhiên. Bạn nên hiểu tại sao khách thích đến tiệm bạn, và tại sao khách bỏ đi không trở lại.
- Xem sổ hẹn mỗi ngày xem có bao nhiêu hẹn cho ba ngày sắp tới. Nếu sổ hẹn còn quá nhiều chỗ trống, bạn phải làm gì để fill lên cho đầy hơn.
- Làm việc gì đó để tên tiệm được nhiều người biết đến hơn. Chẳng hạn như vào Facebook, Twitter, hay Forum..
- Tìm một người có thể giúp tiệm bạn được nhiều người biết đến hơn. Hoặc một người có thể động viên, hướng dẫn bạn làm việc đó.
- Xem xét hiệu quả của những quảng cáo: Quảng cáo nào có hiệu quả hơn, lý do làm nó hiệu quả, cần phải thay đổi những gì để quảng cáo được hiệu quả hơn
- Sáng tạo mới để thu hút khách hàng. Mặt hàng nào rồi dần dà cũng trở nên nhàm chán, bạn nên thường xuyên thay đổi sản phẩm, cũng như cách phục vụ để tiếp tục thu hút khách.
- Giao phó bớt việc thường ngày trong tiệm cho một người khác để bạn có thêm giờ làm việc bạn cần làm. Tôi đồng ý, không ai có thể làm bạn hài lòng bằng chính bạn nhưng bạn nên hướng dẫn để họ làm tốt những việc đó. Điều này không những giúp tiệm bạn phát triển tốt, và còn cho bạn thời gian nghỉ ngơi.
- Thay đổi trang nhà (website) của bạn thường xuyên nhằm cung cấp thông tin cần thiết cho khách hàng.
- Suy tính để cho khách hàng FREE món gì đó. Khách hàng luôn trả tiền cho bạn, nhưng bạn thì chẳng bao giờ trả cho khách hàng. Bạn nên cho FREE khách hàng món gì đó (1) Để thỏa mãn khách hàng, (2) Quảng bá sản phẩm mới của bạn, (3) Nâng cao giá trị của bạn, (4) Cho 1 để nhận 10.
- Tìm 10 lý do khách hàng trả tiền cho bạn. Đây không thể là những điều bạn nghĩ, mà phải có bằng chứng thực tế. . Nếu bạn không biết tại sao khách hàng trả tiền cho bạn thì sao bạn có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nếu khách hàng lại cũng không biết tại sao họ phải trả tiền cho bạn, họ sẽ cảm thấy bị lường gạt và sẽ từ từ bỏ đi.
- Làm những việc khiến tiệm của mình nổi bật, tách biệt khỏi những đối thủ cạnh tranh. Cứ thị trường nào có cạnh tranh, thì thị trường đó sẽ bị phá giá. Để đảm bảo bạn không bị cạnh tranh, bạn phải có đặc điểm mà các tiệm khác không có.
- Đọc sách báo tài liệu trong ngành. Bạn luôn luôn phải là người đi tiên phong hiểu biết những sản phẩm mới, cũng như thị hiếu mới của khách hàng.
- Đi show hàng năm. Hằng năm các công ty sản xuất đều tung ra những sản phẩm mới bạn nên biết những kỹ thuật mới trong ngành bạn đang làm.
- Thống kê thu nhập của tiệm dựa trên sản phẩm. Tìm hiểu rõ ràng hàng nào trong tiệm được nhiều người hưởng ứng để đưa đến quyết định thay đổi cần thiết về sản phẩm hay cách quảng bá từng sản phẩm.
- Làm việc chặt chẽ với thợ. Để chỉnh đốn hàng ngũ thợ làm theo phong cách bạn đề ra. Hổ trợ và hướng dẫn thợ một cách tận tình. Đối xử với thợ một cách công bằng là điều không thể thiếu để bạn thành công
Bạn có thể chia sẻ những ý kiến hay của bạn bằng cách để lại ý kiến và nhận xét trong phần Leave a Reply.
http://www.nhosbs.com/build-tiem/16-dieu-chu-tiem-nail-nen-lam-de-thanh-cong-hon/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét