4 thg 9, 2011

Chuyện Dại Của Một Chủ Tiệm Hair và Nails – Bài Học Đáng Giá $50,000

Khi viết bài này lòng tôi vẫn còn hơi sót và thương hại cho người chủ tiệm vì dại khờ,  vì tham lam, vì tự cao đã làm mất $50,000 trong vòng 12 tháng.



Tôi không nghe, tôi không thấy, tôi không nói những gì tôi cần biết -- có chết không chứ
Chuyện là cô Thúy đã làm nghề tóc hơn 12 năm, kinh nghiệm rất dồi dào, tay nghề rất giỏi. Cô đã sang lại một tiệm Hair và Nails khá lớn, bình dân với giá $75,000. Tiệm có bảy thợ vừa, cuối tuần còn phải tăng cường thêm 2 thợ. Tuy là 9 thợ làm việc vào cuối tuần, nhưng thợ lúc nào cũng phải quần quật từ sáng đến tối, khách không có hẹn lúc nào đến tiệm cũng phải chờ từ ba đến bốn người.
Khi sang tiệm vợ chồng người chủ cũ đã đồng ý ở lại làm việc ở tiệm, và tất cả thợ đều ở lại. Mọi người thợ trong tiệm này đều có một số khách hẹn khá đông nên không ai muốn bỏ đi. Riêng chị chủ tiệm cũ thì có trên 200 khách hẹn của riêng chị cho nên chị lúc nào cũng bận rộn với 200 người khách này.
Cô Thúy vào tiệm đương nhiên là cô có tay nghề giỏi, cô muốn build một số khách cho riêng cô giống như người chủ cũ, nhưng khổ nỗi số khách hẹn của người chủ cũ quá đông nên cô có phần ganh tị và muốn chia số khách đó ra, một phần muốn lấy về làm khách của mình.
Sự việc bắt đầu gây cấn giữa chủ mới và chủ cũ, cũng là người thợ lớn, uy tín, đông khách nhất của tiệm. Vợ chồng người chủ cũ thấy làm việc có bề không được vui vẻ, nên hai người đã lẳng lặng đi sang lại một tiệm khác nơi thành phố khác cách đó khoảng 20 miles, và hai người cùng bỏ việc và về làm việc tại tiệm mới.
Khi hai vợ chồng người chủ cũ nghỉ việc, một số khách hẹn của hai vợ chồng cũng bỏ đi, làm cô Thúy phải bực tức. Cô đi kể với các người khách còn lại là vợ chồng người kia đã giựt khách của tiệm đem sang tiệm mới. (Điều đó có đúng hay không thì chưa được chứng thực)
Một số khách đã bỏ đi, thu nhập của tiệm có phần giảm sút, cô Thúy liền tung ra chiêu “thắc lưng buột bụng” những chuyện rất nhỏ nhặc chẳng hạn như:
  • Dồn nhiều khăn vào một cối giặt để tiết kiếm nước và xà phồng.
  • Khi sấy khăn, cô chỉ sấy vừa đủ, khăn còn hơi ẩm.
  • Chỉ cho thợ dùng hai khăn khi nhuộm tóc.
  • La thợ khi họ dùng quá nhiều bông gòn.
Điều tệ hại nhất cô thường la mắng thợ trước mặt khách.
Thợ chán nản bỏ đi lần lần, khách đến tiệm lại thấy vắng mặt những người thợ quen. Cộng thêm vào không khí ảm đạm, u uất của tiệm làm khách lại càng bỏ đi nơi tiệm khác nhiều hơn, và nhanh hơn.
Cô Thúy càng ngày càng gắt gao hơn vì bây giờ công việc của một người chủ, cũng là người thợ chính trong tiệm làm cho cuộc sống của cô ngạt thở hơn, áp lực hơn.
Sau cùng không còn chịu nổi áp lực nữa, vì số tiền cô làm quần quật từ sáng đến tối cũng chỉ vừa đủ cho cô trang trải chi phí của tiệm mà chẳng đem được một đồng bạc nào về cho gia đình. Cô đã phải sang tiệm lại với giá $25,000.
Tuy mất trắng $50,000 trong vòng 12 tháng, nhưng cũng thật may mắn cho cô vì cô đã sang được tiệm chứ bằng không chẳng biết ngày nào cô nổi khùng, và gia đình của cô cũng phải đi đến chỗ chia ly.
Có thật nhiều việc trong kinh nghiệm của cô Thúy tôi muốn cùng chia sẻ với các bạn như sau:
  1. Khách của tiệm hay khách của thợ: Tôi đã trình bày với bạn vấn nạn này, khó khăn này của tiệm nails. Khi bạn làm chủ một tiệm nails, tiệm tóc bạn nên tránh chuyện khách của thợ dù người thợ đó chính là bạn. Chỉ khi nào bạn thực hiện được điều này bạn mới không còn lệ thuộc vào bất kỳ một người nào khác giữ khách cho tiệm. Khi bạn làm chủ, bạn lại càng không nên giữ khách cho riêng bạn. Bạn phải nghĩ đến những khi bạn vắng mặt, khi bạn đau ốm, tiệm vẫn có thể hoạt động tốt. Thu nhập của bạn không còn lệ thuộc vào bạn thì bạn mới có thời gian tận hưởng cuộc sống.
  2. Định luật kinh tế: Có nhiều người nghĩ rằng khi làm ăn với người khác bạn phải có thu nhập bằng hoặc nhiều hơn người khác đó mới là công bằng. Nên nhiều người tha đạp đổ nồi cơm của người khác cho hả hê, cho dù họ có bị thiệt thòi, mất mát. Cùng theo ý nghĩ đó họ cho rằng tôi bị thiệt hại một chút, nhưng người kia bị thiệt hại nhiều hơn. Nếu đó là suy nghĩ của bạn, bạn đã lầm rồi. Bạn nên phải suy nghĩ ngược lại, bạn phải mang ơn người kia vì họ đã mang lại cho bạn $10 tuy họ kiếm được $90. Bạn phải nhớ, không có họ $1 bạn cũng không có chứ đừng nói là $10. Với một người khôn ngoan trong thương trường thì họ sẽ kiếm thêm thật nhiều người làm để mỗi người mang lại cho họ một chút, nhưng điều sung sướng nhất là họ chẳng phải làm gì cả. Tôi hỏi bạn, bạn muốn là người làm việc để kiếm $90, hay bạn muốn ngồi không mà có $10? Tôi chắc chắn sẽ chọn cách ngồi không.

Đây là một vài việc bạn nên làm khi sang tiệm

  1. Bạn nên nhờ người chủ cũ ở lại giúp bạn một thời gian, gọi là thời gian chuyển tiếp. Thời gian ngắn ngủi 30 ngày đến 180 ngày bạn hãy cố gắng tận dụng để lấy lòng khách và lấy lòng thợ trong tiệm
  2. Bạn cũng nên có một hợp đồng không cạnh tranh với chủ cũ – Bạn có thể yêu cầu chủ cũng không được mở tiệm mới chung quanh khu vực tiệm bạn sang lại trong vòng 15 miles, và không được lấy khách đi. Tuy là có hợp đồng khách cũng sẽ bỏ đi, và rất có thể sẽ đi theo người chủ tiệm cũ. Đó là lẽ thường tình bạn không thể tránh được, nhưng hợp đồng đó chỉ giảm thiểu số lượng khách đi theo chủ cũ thế nên bạn phải làm điều 3 cấp thời.
  3. Bạn phải soạn thảo lại danh sách khách hàng của tiệm – Liên lạc với khách hàng, làm quen với khách hàng trong thời gian ngắn nhất trước khi người chủ cũ ra đi. Trước ngày chủ cũ ra đi, bạn nên thông báo với khách tiệm đã đổi chủ và bạn phải đưa ra những lời hứa hẹn phục vụ khách tốt hơn để giữ họ ở lại.
  4. Nâng cấp, sửa chữa, thay đổi tiệm – Tiệm làm việc sau một thời gian chắc chắn sẽ có nhiều đồ cũ, hư, bạn nên dùng thời điểm này để tân trang lại, chỉnh đốn lại những sơ sót trong tiệm để khách hàng yên tâm là bạn sẽ phục vụ họ tốt hơn.
  5. Build khách mới – Cho dù bạn có chuẩn bị tốt đến đâu, chắc chắn bạn sẽ bị mất đi một số khách cũ. Chỉ mong rằng số khách cũ bỏ đi là những người khách bạn cũng không muốn giữ. Loại khách rẻ tiền, khó chịu, luôn gây khó dễ cho tiệm. Bạn phải nhanh chóng tung ra những quảng cáo mới, tiếp thị mới để bù vào số khách bạn sẽ bị mất. Cũng nhờ vào cái trớn build khách mới này, bạn sẽ có thêm nhiều khách hơn số khách chủ cũ để lại cho bạn.
  6. Thợ – Bạn cũng đừng quên một số thợ trong tiệm là người nhà, thân nhân của chủ tiệm cũ, hoặc những người đã làm việc lâu năm, ân tình với chủ cũ. Những người này có thể bỏ ra đi bất cứ lúc nào. Bạn nên tìm cách giữ những người này lại càng lâu càng tốt, hoặc nếu họ có bỏ ra đi thì cũng không đi một cách đồng loạt. Bạn cũng có thể nên gặp gỡ những người thợ này trước khi sang tiệm thông báo ý định sang tiệm của bạn, và ý định bạn sẽ xử sao với họ.
Có nhiều bạn trẻ nói “Em học được bài học từ khuyết điểm của bản thân em.”
Không! Bạn không nên làm thế, bạn nên học những bài học khuyết điểm từ người khác để tránh thiệt hại cho bản thân.
Your comments are welcome here and good luck.

http://www.nhosbs.com/build-tiem/chuyen-dai-cua-mot-chu-tiem-hair-va-nails-bai-hoc-dang-gia-50000/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét