3 thg 9, 2011

Kỹ nghệ nail & những đóng góp của người Việt

Nghề Nail ở Mỹ hiện nay khá phát triển mạnh, thị phần kinh doanh được phân chia cho người Mỹ lẫn cộng đồng cư dân nhập cư, trong đó có người Việt. Không thể không nhận ra vai trò tích cực của người Việt trong sự phát triển của ngành nghề làm đẹp này. Trong khi đó, khách hàng ngày càng được hưởng lợi từ giá cả vừa phải mà vẫn được phục vụ chu đáo cho tất cả các dịch vụ về nails.
 
Có những ý kiến trong ngoài, nói rằng tiệm nail của người Việt thường tranh nhau giảm giá, qua đó làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Đó là một cách nói. Nước Mỹ tự do, ai cũng có quyền phát biểu theo ý kiến của mình. Về điểm này, ở góc độ khoa học để tìm hiểu, nên để cho chính khách hàng trả lời thì rõ hơn, mà phải
là khách hàng số đông, thiểu số không nói lên bản chất sự việc. Hãy nhìn nhận thực tế là các tiệm nail do người Việt làm chủ hiện nay đa phần ngày càng đông khách, job của thợ nail ngày càng nhiều nhất là thời điểm cuối tuần. Tiệm nail của người Việt phát triển khắp nơi, làm ăn phát đạt. Vì sao vậy? Câu trả lời rất dễ thấy: “TIỆM HÚT KHÁCH”. Khách hàng ngày nay rất khó tính, đồng thời sự hiểu biết của họ về các dịch vụ nail đủ cho họ tự đánh giá tình hình giá cả và chất lượng phục vụ của các tiệm, salon, để lựa chọn nơi “gởi niềm tin”“phục vụ cho mình”. Do vậy, xét ở góc độ quản trị kinh doanh, phải nhận thức rằng tiệm nail của người Việt thực sự đã tạo được niềm tin ở khách hàng sau một thời gian dài tham gia thị trường kinh doanh sôi nổi này. Có khách hàng đồng nghĩa với sự tồn tại và phát triển. Lý luận “tiệm nail của tôi giá cao, dùng sản phẩm tốt, đảm bảo cao nhất sự khử trùng và vệ sinh, không làm nhanh ẩu” mà thực tế khách không đến... cứ thưa dần, là lối lý luận hay cách nói cách làm không đáp ứng được thực tế nhu cầu thị hiếu của đối tượng khách mà mình phục vụ. Thực tế phũ phàng income tiệm tuột dốc mãi không hãm được sẽ phản biện cho lối suy nghĩ “sáo mòn”“cứng ngắt thiếu nhạy bén” này. Thị trường luôn được phân khúc, phải xác định đúng đối tượng khách của mình thuộc phân khúc nào, họ muốn gì và cần gì, mà xác định phương cách kinh doanh phù hợp. Không quan tâm đúng đắn và hiểu rõ đối tượng khách hàng của mình sẽ rất khó tồn tại và phát triển trong điều kiện kinh doanh mạnh mẽ hiện nay của thị trường nail. Mặt khác, nên nhớ rằng giá cả vừa phải phù hợp, sản phẩm ưng ý có chất lượng là cơ may tốt nhất của nghệ thuật kinh doanh thành đạt. Còn việc vệ sinh khử trùng là bắt buộc đảm bảo, tiệm nào, ai làm... cũng vậy đều phải tuân thủ nghiêm ngặt. Làm sai, làm trái, không đúng là tự đào thải mình dù là tiệm nail của ai cũng thế. Ai sẽ xác định điều này, ngoài cơ quan thẩm định chuyên môn, chính là khách hàng - người trực tiếp chọn lựa tiệm, salon phục vụ cho mình. Tiệm có khách hẹn quay lại đều thường xuyên lâu dài, là đã có niềm tin nơi tiệm về giá cả, chất lượng phục vụ, vệ sinh khử trừng và nhiều yếu tố khác hợp thành. Có lẽ, người Việt đã đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu vào nghệ thuật kinh doanh nghề nail ở Mỹ, minh chứng cho triết lý kinh doanh hiện đại “Khách Hàng là Thượng Đế”, “Bán cho khách hàng cái họ cần, chứ không phải chỉ bán cho họ cái mình có” là luôn đúng.
Tay nghề là yếu tố tiên quyết để làm ra sản phẩm có chất lượng (bên cạnh việc có nguyên vật liệu có chất lượng). Đó chính những thành tố góp phần làm khách hàng tin tưởng tìm đến. Tuy vậy, về mặt nào đó, đây chí mới là điều kiện “cần” nhưng chưa “đủ” . Vì sao ư?  Đơn giản, tay nghề mới chỉ là một thành tố góp phần tạo lập vị thế cạnh tranh của tiệm, nail salon. Những yếu tố khác cũng quan trọng không kém như: nghệ thuật giao tiếp với khách hàng, trình độ quản lý, giá cả cạnh tranh, khả năng build khách và giữ khách, không khí kinh doanh và phục vụ khách, nghệ thuật tiếp cận khách hàng bằng phương cách thỏa mãn tích cực nhu cầu làm đẹp của khách như tư vấn lựa chọn màu sắc, loại hình phục vụ, mẫu vẽ nail  đặc biệt là vẽ bằng cọ - người Việt có khi hay gọi là vẽ tay - với những họa tiết tinh xảo đẹp hấp dẫn, một thế mạnh của các cô thợ nail gốc Việt... Tay nghề có được do được đào tạo bài bản và quá trình tích lũy kinh nghiệm. Giấy phép hành nghề được cấp là điều kiện “cần” để được thực hiện công việc làm nail (dĩ nhiên khi được cấp giấy phép này họ đã phải trải qua số giờ học tập luật định đồng thời cũng thành công trong cuộc thi sát hạch được ấn định) nhưng bên cạnh đó việc làm nhiều, làm lâu năm mới bổ sung yếu tố “đủ” để giúp người thợ nail phục vụ khách hàng tốt nhất, tiệm build và giữ được khách. Hai biểu hiện income gia tăng và khách hàng đến tiệm đông thường xuyên lâu dài, chính là dấu hiệu tiệm nail hay salon nail đó đang phát triển tốt, đúng hướng.
Có người nói khách hàng thường không cảm thấy dễ chịu trong những tiệm nail có giá hạ là phiếm diện, chưa thấy trọn bản chất của sự việc. Không dễ chịu mà họ lại đến tiệm? Không dễ chịu mà họ không bỏ đi? Thực tế, sự dễ chịu hay khó chịu đều có thể xảy ra ở bất kỳ tiệm nail nào không nhất thiết là nơi có giá cao hay giá thấp, cái chính là nghệ thuật phục vụ. Hãy xem lại nhận định đó, có thể họ đang tự lừa dối mình, không tìm ra phương cách để kéo khách hàng đến với mình mà vẫn cho rằng “tiệm mình là xịn hơn” (?). Hãy đánh giá đúng sự việc bằng nguồn thu, lợi nhuận của tiệm và lượng khách  đến tiệm tăng hay giảm. Đó mới thực sự là cách đánh giá khoa học, rộng hơn là nhìn vào thị phần và qui mô phát triển của cộng đồng làm nghề nail, để tự xét mình và vị trí của mình trong thị trường bao la và tiềm năng của ngành nghề nail.
Năm mới vừa đến, hy vọng người Việt làm nghề nail vẫn luôn tâm đắc với tính cần cù làm việc, sự khéo tay, tinh thần học hỏi tiếp thu nhanh của mình. Bên cạnh đó, sự lắng nghe tìm hiểu nguyện vọng của khách hàng, rút kinh nghiệm từ những sự cố va chạm hay những lần bị xử phạt trong kinh doanh của tiệm bạn, tiệm khác... mà chấn chỉnh, hoàn thiện hơn nữa phong cách kinh doanh, nghệ thuật phục vụ của mình, trình độ quản lý về các mặt, khả năng giao tiếp với khách hàng trong mọi tình huống. Ông bà ta có câu nói rất hay “Nhân bất thập toàn” (không ai là toàn diện cả), trong kinh doanh nghề cũng vậy, va vấp thiếu xót là chuyện có thể xảy ra... nhưng biết trước để tránh, cẩn trọng trong kinh doanh sẽ giúp chúng ta phát triển an toàn và ổn định hơn. Mong rằng những đóng góp của người Việt trong kỹ nghệ kinh doanh nail ở Mỹ sẽ được đánh giá đúng đắn và trọn vẹn hơn!
ANH TUẤN
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét